Truyện ngắn " Cây xương rồng trên cát:



Con người khi bị đẩy vào cảnh khốn cùng sẽ vui sướng đến tột bậc vì họ không thể nào khổ hơn được nữa - ( Trích trong truyện “Vua Lia”)nhà soạn kịch vĩ đại người Anh: William Shakespeare (1564-1616).
Nhưng trong số họ vẫn có những người không gục ngã ,mặc cho bão dập mưa vùi, sức sống mãnh liệt ấy có thể ví như Cây xương rồng trên cát…
   
Tôi đã gặp một loài hoa đồng nội
Thân vươn cao gầy khẳng gầy khiu
Tưởng cây ấy chỉ thân tàn  lực kiệt
Có đâu ngờ sức sống vẫn chắt chiu

Lá dẫu nhỏ thân cây còn xanh lại
Cánh hoa vàng ngạo nghễ với thời gian
Gió lan tỏa một hương thơm dìu dịu
Tô đẹp cho đời cho cỏ cây…

Từ dạo học cấp ba, Hương đã đã nổi tiếng về nhan sắc trời cho của mình. Cả trường từ học sinh nam đến học sinh nữ ai cũng mến Hương, sự xuất hiện của cô ở đâu cứ như một sự kiện:
- Hôm qua tao thấy cái Hương đi chợ xuân cùng mẹ. nó mặc áo màu hoa lý trông xinh ơi là xinh - thằng Khôi bảo.
- Nó mặc áo nào chả xinh. Mày nói rõ thừa! thằng Tiến cự lại …
Những câu chuyện kiểu ấy thường gặp ở trường tôi.
Con gái đẹp mấy ai học được lên cao, Hương luôn nhận được thư và  bao người tranh nhau đưa đón. Họ thành đạt và tuổi đời hơn chúng tôi nhiều. Họ hứa hẹn, họ săn đón khiến cô có muốn học lên cũng không được. Cuối cùng khi chúng tôi vào đại học cũng là lúc Hương lên xe hoa…
Cường chồng Hương – đẹp trai, đạo mạo, nếu không có người mách ít ai đoán được anh hơn cô tới… 15 tuổi, anh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam,  nay là một quan chức nhà nước thành đạt, có ô tô riêng.  Cả trường, nhất là lũ con trai chúng tôi ngẩn ngơ nhìn Hương lên xe hoa mà thấy như mình mất mát một cái gì, bởi chúng  tôi đã quen được ngắm nàng như một tác phẩm tuyệt mỹ, từ điệu đi dáng đứng, giọng nói, nụ cười. Ngay cả cử chỉ cúi đầu, vén tóc của nàng cũng để lại xao xuyến cho lắm chàng trai…Đám cưới Hương khá đông khách, vì sự thành đạt của chồng cô, vì chúng tôi ngưỡng mộ sắc đẹp nhưng thùy mị không hề kiêu căng hay phớt đời như một số cô gái có nhan sắc khác và cả  sự hiếu kỳ tuổi học trò nên nhiều đứa đến chung vui.
Vốn đã đẹp người, ngày cưới,  được trang điểm ăn mặc quần áo cô dâu càng tôn vẻ  rạng ngời của Hương lên gấp  bội, đến nỗi dù đám cưới đã qua đi rất lâu bọn học trò trường tôi vẫn tấm tắc bàn luận. Ai cũng nghĩ Hương sẽ có cuộc sống đầy đủ hạnh phúc nhưng thực tế lại không phải thế:
 Một năm sau ngày cưới, Hương sinh thằng Ước, đúng như mong muốn của hai vợ chồng, nó chào đời với 4 kg và lớn nhanh như thổi, mới 15 tuổi đã nặng hơn sáu chục kg, cao tới 1m70. Ba  năm sau Hương sinh thằng Vọng, đâu ngờ nó là hậu quả của những ngày Cường chiến đấu ở vùng bị Mỹ rải chất độc Da cam/đi ô xin và con trai anh đã bị nhiễm. Vọng sinh ra bình thường về hình thức nhưng thiểu năng trí tuệ, không đi học được, đành để ở nhà cho mẹ chăm sóc như một đứa trẻ. Bao nhiêu hy vọng của hai vợ chồng đều gửi vào cậu con cả.
Ước đang học giỏi, lại biết yêu thương bố mẹ thì giữa năm cấp ba nó gặp thằng Nhuận chuyển từ trường khác đến. Nhuận nhanh chóng trở thành học sinh cá biệt của lớp với đủ chiêu trò: gây gổ, nói tục, trêu gái, bỏ học, ăn chơi, tiêu tiền như rác… Ước ngồi cùng bàn với Khôi. Học cái hay thì chậm, học cái xấu thì nhanh. Chẳng mấy chốc Nhuận đã  dần dần rủ rê Ước vào các trò hư đó. Không lâu sau Ước đã biết hút thuốc sành sỏi: Có lúc nó rít hơi dài rồi biểu diễn thả khói đằng mũi hay nhả khói hình chữ o trước sự khâm phục hò reo của lũ học trò hư bạn Nhuận. Có lần Nhuận đưa Ước một điếu thuốc lá, cậu hút vào thấy người nhẹ lâng lâng, một cảm giác thật đê mê dễ chịu, hôm sau thèm cảm giác ấy, Ước lại xin Nhuận và khi đã hút quen, hiểu ra đó là ma túy thì đã muộn, bây giờ Nhuận không cho nữa mà bắt mua, Ước đành vâng phục. Nhuận đã thành công khi dụ được cho chủ bán thêm một con nghiện, nó được hút miễn phí dài dài.
Cái gì cũng có ngưỡng của nó, lúc đầu Ước bớt tiền quà, nói dối tăng tiền học để mua thuốc. Nhu cầu hút càng cao, mấy trò ấy không đủ, cuối cùng theo lời Nhuận xui, Ước đã ăn cắp đồ của bố mẹ đi bán. Học hành chểnh mảng, hút hít thì chăm, Ước mau chóng sụt cân, gầy guộc. Khi vợ chồng Hương hiểu ra thì chuyện đã quá muộn: Ước thi trượt tốt nghiệp phổ thông. Cường - chồng Hương bèn dùng mối quan hệ xin cho con vào trường Giáo dục thường xuyên.  Nhưng tại đây, cậu ta vẫn chứng nào tật ấy, và khi Ước nằm trong danh sách buộc phải đi cai nghiện của phường, Cường mới hiểu ra sự xao nhãng chăm sóc con cái của mình đã phải trả giá thế nào!. Bực dọc không biết đổ vào đâu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” anh đổ hết cho vợ. Hương thương chồng, sợ anh buồn, không dám phản kháng, cô chỉ biết khóc. Dưới con mắt của Cường thì cứ như tất cả những tật hư đó của con đều là của vợ gây nên.
Hương vừa lên thăm nuôi Ước ở trại lại phải chăm thằng Vọng ở nhà. Tiếng là đi cai nhưng nhiều lần Ước đã cầu xin mẹ gửi thuốc vào cho nó. Nghe con nói Hương tan nát cả cõi lòng vừa giận vừa thương con, bỏ qua nguy hiểm, nhiều lần Hương vẫn tìm cách gửi thuốc cho nó. Tưởng nỗi khổ của mình đến thế là cùng, ngờ đâu một tai họa khác lại ập đến với gia đình cô: Những năm chiến tranh gian khổ thời trai trẻ Cường dễ dàng vượt qua nhiều cơn bạo bệnh, nhưng chúng như đội quân ngầm ẩn nấp chờ cơ hội để quật ngã anh. Đầu tiên là những trận sốt rét tái diễn rồi đến sự hành hạ của những vết thương thời trận mạc đã làm anh không thể gượng dậy.
Hương như cái đèn cù, khi vào viện với Cường, lúc chăm lo cho Vọng,  khi bắt xe đi thăm nom Ước. Nhiều người ái ngại cho Hương và họ đã nhắc câu “Gái hồng nhan bạc phận”. Cô cũng nghĩ rằng câu ca ấy đã vận vào đời mình, rồi lại tự vấn: Đâu phải thế! Cái Oanh, cái Thạch cũng đẹp kém gì mình, sao chúng lại sướng thế:  Con cái thành đạt . Nay đứa thì du lịch châu Âu, đứa vi vu thăm con bên Mỹ! thôi âu cũng tại cái “số” của mình. Hương tự nhủ để an bài số phận. Cảm tưởng như nỗi khổ với cô thế chưa đủ, rắc rối khác lại ập về:
Số là nhà Hương đang ở, nay lại bị rơi vào vùng quy hoạch. Quy hoạch thì phải đền bù, giải tỏa. Nhà Hương ở tới hơn 300m2  do đất thổ cư bố mẹ chồng để lại, đáng lẽ đền bù theo định mức A thì đám cán bộ khu phố và giải phóng mặt bằng thấy nhà Hương đang cảnh rối ren, Cường đang nằm một chỗ, chỉ còn mình cô phận đàn bà con gái giải quyết việc này. Đã không thương, họ đồng tình hùa nhau dìm đền bù gia đình cô xuống loại C. Hương bực quá làm đơn lên đâu cũng chỉ thấy họ im lặng né tránh. Không đừng được, biết  bạn bè Cường có nhiều người đang giữ trọng trách, Hương đành cưỡi chiếc xe đạp cà tàng đến cậy nhờ (chiếc xe máy tay ga đã bị Ước mang đi đặt). Đúng là trời không cắt của ai hoàn toàn, May quá, bạn bè Cường sẵn lòng giúp đỡ nên Hương mới nhận lại được sự đền bù xứng đáng như những gia đình khác. Chuyện vui chưa trọn lại đến chuyện không may: Số là một mình  xoay xỏa  chống chèo bao công việc của gia đình, Hương như một cỗ máy lúc nào cũng chạy hết công suất thì gục ngã là lẽ đương nhiên. Hôm ấy Hương vừa cho thằng Vọng ăn xong, đang rửa bát thì mặt mày sây xẩm, choáng váng ngã lăn ra đất vỡ cả mấy chiếc bát, may thay vừa lúc cái Lành - em gái đến thăm chị, nó vội đưa Hương đi cấp cứu.
Vừa đỡ  chút ít, lo cho công việc gia đình, Hương  liền xin điều trị ngoại trú. Về đến nhà Hương lại tay năm tay mười  lao vào với bao công việc  nhiêu khê. Không hiểu cô lấy đâu ra nghị lực và sức khỏe để vượt lên tất cả khó khăn thử thách khắc nghiệt đã đến với mình. Hương luôn nói với bạn bè:
Tôi không được ốm, không được chết  vì chồng con đang cần đến tôi!.
Ôi! Chỉ có tình yêu, lòng nhân ái bao la mới ước ao điều đó. Người ta có thể ước sống lâu để hưởng an nhàn phú quý, còn trong cảnh khốn cùng mấy ai không muốn thoát ra? Sao cô lại ước mơ như vậy!? Đúng là  nghĩa tình sâu nặng đã làm nên bao điều kỳ lạ.Nhìn Hương chạy chữa cho chồng, chăm sóc hai con trong điều kiện khó khăn vẫn tận tình chu đáo, mới hay sức chịu đựng của con người thật là vô biên và Hương quả là
 Cây xương rồng trên cát.                                 
Tôi nhớ câu nói của "Bố già" Don Vito Corleone trong tiểu thuyết Bố già (The Godfather) của nhà văn người Mỹ gốc Ý Mario Puzo trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, ngã xuống trên luống rau nhà: “Đời đẹp biết bao! đời thật là đáng sống”. Có lẽ Hương cũng nghĩ như vậy, vì cuộc sống là khởi nguồn của mọi niềm vui, sao ta lại không yêu cho được?
                                                           Hà Nội ngày 22/11/2013
Địa Chỉ Liên Hệ:Hồ Sĩ Tá
Hội Văn Nghệ Dân Gian  Việt Nam
Hội Văn Nghệ Dân Gian Hà Nội
337 Hoàng Hoa Thám p Liễu Giai Q Ba Đình Hà Nội
ĐTNR: 04. 3845 3321 DĐ: 0976 935 710

E-Mail : tahosi1604@gmail.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét